Vững vàng trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, khép lại 21 năm đất nước chia cắt, mở ra kỷ nguyên mới - non sông thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Chiến thắng vĩ đại ấy là kết tinh của ý chí kiên cường, khát vọng hòa bình và sức mạnh đoàn kết của toàn dân, mãi khắc ghi vào trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Từ đó hằng năm, ngày 30/4 trở thành dịp thiêng liêng để người dân cùng ôn lại hào khí hào hùng của cha ông, tri ân những hy sinh lớn lao của bao thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt, Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tới đây (30/4/1975 - 30/4/2025) không chỉ là cơ hội để nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước, mà còn khẳng định khát vọng vươn lên của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Tuy nhiên, cứ mỗi dịp kỷ niệm trọng đại này, các thế lực thù địch, tổ chức phản động và một số phần tử cơ hội chính trị lại tìm mọi cách để tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử và thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Thông qua Internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã tạo dựng, tán phát hàng loạt bài viết, hình ảnh, video có nội dung sai lệch, gieo rắc hoài nghi trong Nhân dân. Trong đó, nổi lên một số âm mưu, thủ đoạn chống phá như sau:
1. Bóp méo bản chất và ý nghĩa ngày 30/4/1975
Các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” cùng một số trang tin xấu, độc thường xuyên tung ra những luận điệu sai lệch, phủ nhận ý nghĩa của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng gọi ngày 30/4/1975 là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”, “biến cố buồn”, thậm chí đòi “định danh lại ngày 30/4” để phù hợp với các quan điểm lệch lạc. Trên trang mạng xã hội, tài khoản của các đối tượng “cơ hội chính trị”, chống phá lan truyền những bài viết, hình ảnh, video với nội dung như “Tháng tư là tháng vo gạo bằng nước mắt”, vu cáo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc, cho rằng đây là cuộc chiến “vô nghĩa” và “có thể tránh được”.
Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Theo số liệu lịch sử, Mỹ đã chi tới 676 tỷ USD cho cuộc chiến này, huy động 6,6 triệu lượt quân tham chiến, trong đó có thời điểm hơn nửa triệu lính Mỹ đồn trú tại miền Nam, cùng 72 nghìn quân từ các nước đồng minh[1]. Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Cao Kỳ cũng từng thừa nhận rằng: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm ‘kép nhất’, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”[2]. Rõ ràng đây là cuộc chiến tranh xâm lược, chứ không phải “cuộc nội chiến” như các đối tượng thường “rêu rao”.
Máy bay B-52 của Không quân Mỹ dội bom dữ dội trên bầu trời gần Tây Ninh ngày 2/11/1965. Ảnh: AP
Trên bình diện quốc tế, báo chí thế giới đã đồng loạt ghi nhận và tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4/1975, tờ Asahi Shimbun, một trong những báo hàng đầu của Nhật Bản, trong bài xã luận ngày 01/5/2000, khẳng định: “Chiến tranh Việt Nam đã khép lại với thắng lợi vang dội của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Tương tự, Báo tin tức Ai Cập ngày 07/5/1975 nhấn mạnh: “Không một ai trên trái đất này, bất kể chính kiến hay màu da của họ thế nào đi nữa, có thể không kính trọng và tự hào trước dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc vào ngày 30/4/1975”[3]. Những đánh giá này không chỉ thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế mà còn khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hậu thuẫn nhằm chia cắt đất nước ta.
2. Vu khống chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc và vấn đề thương, phế binh VNCH
Luận điệu xuyên tạc khác thường được các đối tượng chống phá sử dụng là vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp”, “phân biệt đối xử” và “bỏ mặc” những người từng phục vụ trong chế độ VNCH, đặc biệt là thương, phế binh. Thậm chí, chúng còn lợi dụng thương, phế binh VNCH như một công cụ chính trị, ép buộc một số người tham gia các cuộc phỏng vấn mang tính dàn dựng với nội dung sai sự thật như “bị áp bức”, “không có tự do, dân chủ”, từ đó kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt gần đây, liên quan phiên bảo vệ báo cáo Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại Geneva từ ngày 06 - 07/3/2025, khi bà Amalia Gamio, Phó Chủ tịch Ủy ban về quyền của người khuyết tật đề cập đến vấn đề chế độ nhân đạo đối với thương, phế binh VNCH, trang tin như “RFA Tiếng Việt” và tổ chức phản động bên ngoài đã cố tình bóp méo thông tin để xuyên tạc sự việc, thổi phồng thành “Liên Hợp Quốc chất vấn Việt Nam”, đồng thời thêm thắt những nội dung sai sự thật vu khống rằng Việt Nam không quan tâm đến nhóm người này.
Thông tin xuyên tạc trên một số trang mạng nước ngoài
Tuy nhiên, những luận điệu vu cáo đó hoàn toàn trái ngược với thực tế lịch sử và những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), với tinh thần “đoàn kết dân tộc, hướng về tương lai”, Đảng và Nhà nước đã triển khai hàng loạt chính sách khoan hồng, nhân văn đối với những người từng theo VNCH và các tổ chức chống lại cách mạng. Chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc không chỉ thể hiện sự tôn trọng lịch sử mà còn đặt lợi ích quốc gia, sự ổn định đất nước lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đối với vấn đề an sinh xã hội, Việt Nam luôn kiên định thực hiện chính sách không phân biệt thành phần, địa vị, với hơn 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, hệ thống phục hồi chức năng được triển khai đồng bộ tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương[4]. Thương binh, phế binh VNCH cùng gia đình được hưởng chế độ đãi ngộ công bằng như mọi công dân, từ hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm đến chăm sóc y tế, giáo dục. Nhờ đó mà rất nhiều thương binh, phế binh VNCH đã tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và tích cực tham gia hoạt động xã hội, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã được chính quyền địa phương vinh danh, trở thành minh chứng sống cho tính đúng đắn của chính sách nhân ái, bao dung.
3. Xuyên tạc mục đích và ý nghĩa của hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Các thế lực thù địch còn đẩy mạnh xuyên tạc các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là lễ diễu binh, diễu hành tại thành phố Hồ Chí Minh bằng cách bóp méo, gán cho đó là hành động “phô trương”, “tốn kém xa hoa”, “mị dân”. Trên mạng xã hội, nhiều trang mạng phản động lan truyền những nội dung sai lệch như “Ngân sách đổ vào duyệt binh trong khi người dân vật lộn với giá cả leo thang, hạ tầng xuống cấp, y tế và giáo dục đầy bất cập”. Thậm chí còn bịa đặt rằng mục đích của các hoạt động này là để “đánh lạc hướng Nhân dân”, khiến người dân quên đi những khó khăn kinh tế - xã hội hiện tại. Tuy nhiên, những luận điệu này không chỉ xuyên tạc bản chất sự kiện mà còn phủ nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức một lễ kỷ niệm trọng đại, mang tầm vóc quốc gia.
Thực tế, lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước là sự kiện đặc biệt, được Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo tổ chức trang trọng nhằm hướng tới phục vụ Nhân dân. Lễ diễu binh, diễu hành không phải là sự “phô trương” mà là nghi thức thiêng liêng, thể hiện sức mạnh quốc phòng, lòng tự hào dân tộc và truyền thống lịch sử hào hùng của người dân Việt Nam. Đây được xem là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước, đồng thời khẳng định những thành tựu to lớn sau 50 năm thống nhất, củng cố niềm tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Không dừng lại ở ý nghĩa về chính trị, văn hóa, các hoạt động kỷ niệm còn mở ra cơ hội thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt với quy mô hoành tráng, lễ diễu binh, diễu hành cùng các sự kiện như trình diễn drone ánh sáng, bắn pháo hoa tại thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu lớn cho các ngành dịch vụ.
Ngoài ra, việc tổ chức sự kiện này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng tổ chức diễu binh trong các dịp lễ lớn để tôn vinh bản sắc và tinh thần dân tộc. Do đó, Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước không nằm ngoài thông lệ đó và hoàn toàn xứng đáng với ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại của sự kiện lịch sử này.
Lực lượng vũ trang tích cực tập luyện chuẩn bị Lễ diễu binh diễu hành 30/4. Ảnh: Lê Giang
Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí độc lập, tự cường và khát vọng hòa bình cháy bỏng trong tim mỗi người dân Việt Nam. Đó là thắng lợi của chính nghĩa và được thế giới công nhận. Trải qua 50 năm, từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện: kinh tế phát triển nhanh chóng, hội nhập quốc tế sâu rộng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Những thành quả ấy là minh chứng sống động cho con đường đúng đắn mà dân tộc ta đã lựa chọn. Mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần giữ vững niềm tin vào sự thật lịch sử, trân trọng những giá trị thiêng liêng của ngày Thống nhất đất nước, đồng thời biến niềm tự hào ấy thành động lực to lớn để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vươn tầm thế giới trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các tin khác
- Tỉnh táo bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về chiến thắng 30/4/1975. (04/05/2025)
- Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với lịch sử dân tộc Việt Nam (03/04/2025)
- Cảnh giác với âm mưu lợi dụng sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). (03/04/2025)
- Nhận diện âm mưu lợi dụng chủ trương xắp sếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam (26/03/2025)
- Cảnh giác trước những âm mưu xuyên tạc về tinh gọn bộ máy trong Công an. (14/03/2025)
- Nhận diện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch. (26/02/2025)
- Tỉnh táo nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch về tinh giản bộ máy Nhà nước hiện nay (25/02/2025)
- Nhận diện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước. (18/02/2025)
- Không gian mạng - những thách thức đặt ra đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng hiện nay (16/12/2024)
- Tổ chức sinh hoạt chính trị “Bảo vệ nền tư tưởng của đảng trên không gian mạng” tại Khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ. (06/11/2024)
Trang đầu 1 2 Trang cuối
- Phương án phân luồng, điều tiết giao thông trong thời gian diễn ra sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
- thôn báo Đình nã Nguyễn Bảo Pháp
- Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Cần Thơ thông báo Lịch sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tháng 4, tháng 5 năm 2025.