Lược sử công an Cần Thơ từ năm 1945 đến nay
Địa chỉ: Số 9A Trần Phú, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Điện thoại: 0693.672.010 - Fax: 0693.672.031
Email: catp@cantho.gov.vn
LƯỢC SỬ CÔNG AN CẦN THƠ TỪ 1945 ĐẾN NAY
Từ khi ra đời cho đến nay, cùng với lịch sử hình thành và phát triển lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Công an thành phố Cần Thơ đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau: Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ (năm 1945), Công an Ty Cần Thơ (năm 1946), Ban An ninh Cần Thơ (năm 1961), Ty Công an Hậu Giang (năm 1976), Công an tỉnh Hậu Giang (năm 1981), Công an tỉnh Cần Thơ (năm 1992) và hiện nay là Công an thành phố Cần Thơ (năm 2004). Mỗi tên gọi đều gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định. Có thể khái quát thành các giai đoạn:
1. Giai đoạn 1945 - 1954
Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại Bugalô (trụ sở Hải quân cũ của Pháp tại bến Ninh Kiều) Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ được thành lập đánh dấu sự ra đời của lực lượng Công an Cần Thơ.
Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền cách mạng; phát hiện ngăn chặn, bắt xử lý các phần tử chống đối, phá hoại thành quả cách mạng; bảo vệ chặt chẽ các cơ sở vật chất, tài sản mà cách mạng thu được; nghiêm trị với các đối tượng hình sự; tích cực tuyên truyền, giáo dục nhân dân xóa bỏ các hủ tục mê tín, dị đoan, ma chay đồng bóng; thường xuyên tuần tra canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Từ mốc son này, Công an Cần Thơ đã phối hợp cùng các lực lượng khác và nhân dân Cần Thơ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Trong gần một thập kỷ ấy, Công an Cần Thơ không ngừng trưởng thành cả về lực lượng và cơ cấu tổ chức, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.
Ngay từ khi mới thành lập, ngày 9 tháng 9 năm 1945, Quốc gia tự vệ cuộc đã đập tan âm mưu của các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc gây bạo loạn chống phá chính quyền cách mạng tại Cần Thơ bảo vệ thành quả cách mạng, tổ chức tấn công Sở chỉ huy hành quân của Pháp đống tại thị trấn Cái Răng ngày 12 tháng 11 năm 1945 chiến thắng có ý nghĩa mở đầu cho tinh thần yêu nước của quân dân Nam bộ cùng cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiếp đó Ty Công an Cần Thơ phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tham gia trận Tầm Vu II (năm 1946), trận Tầm Vu IV (năm 1948),… tạo bước đệm cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ và rút quân về nước.
Đây là thời kỳ địa giới hành chính Cần Thơ bao gồm cả tỉnh Sóc Trăng, và Hậu Giang hiện nay. Tổ chức lực lượng Công an có 32 đơn vị, trong đó cấp Phòng có 13 ban, 13 đơn vị cấp huyện, 01 thị xã và 05 đơn vị khác. Quốc gia tự vệ cuộc đến năm 1946 đổi tên thành Công an Ty Cần Thơ, một thời gian sau đổi thành Ty Công an Cần Thơ. Ở cấp tỉnh, huyện gọi là Quốc gia tự vệ cuộc, cấp xã gọi là ủy viên Công an xã.
2. Giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954 - 1975
Sau khi Ban An ninh xứ ủy ra đời (cuối 1960) với nhiệm vụ “tham mưu cho xứ ủy chỉ đạo công tác bảo vệ căn cứ, chống do thám, gián điệp, bảo vệ vùng giải phóng, tự quản ấp, xã”. Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Ban An ninh tỉnh Cần Thơ được thành lập tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang), từ tỉnh, huyện, xã mỗi cấp có một cấp ủy viên phụ trách cùng một số cán bộ (sau đó, thành lập thêm: Ban bảo vệ an ninh, Văn phòng, Điệp báo, Chấp pháp trại giam, Trinh sát vũ trang, Cảnh vệ, bảo vệ căn cứ). Bằng phương châm 2 chân, ba mũi tiến công và nổi dậy, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang của ba thứ quân, trấn áp tình báo, gián điệp, bọn phản cách mạng; phát động phong trào “phòng gian bảo mật” trong nhân dân; Kiên cường bám trụ làm chủ địa bàn, chủ động kéo căng địch, buộc chúng luôn luôn phải đối phó với mọi hoạt động của an ninh ngay trong hậu phương của chúng, hỗ trợ đắc lực, tạo thế đứng vững vàng cho các lực lượng, quân chủ lực bẻ gãy hoàn toàn các cuộc tấn công, càn quét của địch trên chiến trường.
Lực lượng an ninh dưới sự chỉ đạo của Ban an ninh Khu Tây Nam bộ và trực tiếp là Tỉnh ủy Cần Thơ cùng các lực lượng vũ trang khác bám địa bàn kết hợp đấu tranh kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tổ chức diệt ác ôn, tay sai chỉ điểm, phối hợp với các lực lượng tổ chức nhiều trận đánh góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh kiểu mới của đế quốc Mỹ. Điển hình là tổ chức các trận đánh lớn vào các đô thị như Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, làm nên chiến thắng mùa xuân 1975.
Đến thập niên 70, Ban an ninh Cần Thơ có 41 đơn vị đầu mối. Trong đó, có 9 Ban An ninh huyện, 22 tổ, 06 tiểu ban, 03 phân đội và 01 Văn phòng cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thì cơ cấu tổ chức Ban an ninh mới thay đổi cho phù hợp với thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1976 - 2019
Đây là giai đoạn Công an Cần Thơ có nhiều chuyển biến do đất nước đã thống nhất, các lực lượng vũ trang cũng được tổ chức cơ cấu lại cho phù hợp với thời bình, đáp ứng nhiệm vụ mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với Công an Cần Thơ có một số mốc đáng ghi nhận sau:
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị định số 245-NĐ/TW về việc bỏ Khu hợp nhất tỉnh. Theo đó, tháng 3 năm 1976, Cần Thơ và Sóc Trăng hợp nhất lấy tên tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh. Sau ngày giải phóng đất nước thống nhất cả nước chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, lực lượng thuộc Ban An ninh phối hợp với các ban ngành thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản. Tổ chức bộ máy Công an lúc này gọi là Ty Công an Hậu Giang, với 22 phòng và 7 đơn vị Công an thành phố, thị xã, huyện. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, Công an Cần Thơ đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tình nguyện tham gia giúp nước bạn Campuchia.
Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 250 quy định nhiệm vụ, tổ chức và quyền hạn của Bộ Nội vụ, đổi tên Ty Công an tỉnh Hậu Giang thành Công an tỉnh Hậu Giang và thành lập Ban chỉ huy An ninh và Ban chỉ huy Cảnh sát, theo đó, Công an tỉnh Hậu Giang có 28 Phòng và 14 đơn vị Công an thành phố, thị xã và huyện.
Năm 1991, sau khi tách tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Giải thể Ban chỉ huy phản gián, Ban chỉ huy cảnh sát và một số đơn vị sát nhập lại. Lúc này, có tên gọi là Công an tỉnh Cần Thơ, được tổ chức thành 27 đơn vị, trong đó có 17 Phòng, 01 Công an thành phố, 02 trại giam và 6 đơn vị Công an thành phố, huyện.
Năm 2004, tách tỉnh Cần Thơ, thành lập tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương, Công an thành phố có 37 đơn vị, trong đó cấp Phòng có 29 đơn vị và 8 quận, huyện (năm 2008, thành lập thêm đơn vị Công an huyện Thới Lai). Năm 2011, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Công an thành phố Cần Thơ tách ra thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Cần Thơ. Tiếp đó, thành lập thêm các đơn vị Bệnh Viện Công an, Phòng Viễn Thông tin học, Phòng Pháp chế, Phòng Tài chính, Phòng Công tác đảng và công tác quần chúng đã nâng tổng số lên 45 đầu mối đơn vị, địa phương với cơ cấu tổ chức chặt chẽ mang tính chuyên môn cao.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, giải thể Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Cần Thơ nhập vào Công an thành phố Cần Thơ và nhập một số phòng, ban Công an Cần Thơ, hiện nay cơ cấu tổ chức gồm 29 đơn vị cấp phòng, 9 đơn vị Công an cấp quận, huyện.
Giai đoạn 1976-2019, song song với công tác xây dựng lực lượng, Công an thành phố Cần Thơ đã lập nhiều chiến công như đánh bại “Kế hoạch hậu chiến” với chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phới hợp với Bộ Công an đập tan âm mưu xâm nhập của các toán biệt kích do Lê Quốc Tuy, Mai Văn Hạnh cầm đầu góp phần làm nên thành công chuyên án CM12, đập tan âm mưu cướp chính quyền xảy ra tại xã Giai Xuân huyện Phong Điền năm 1983, giải quyết thành công hàng trăm vụ việc liên quan đến khiếu kiện, tôn giáo, dân tộc, triệt phá hàng trăm vụ án lớn liên quan đến tội phạm buôn lậu, tham nhũng, ma túy, hình sự… Bên cạnh đó, Công an thành phố Cần Thơ tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực trao đổi thông tin nghiệp vụ góp phần kiềm chế, trấn áp tội phạm quá cảnh và lưu trú tại địa phương.
Với những thành tích trên, Công an thành phố Cần Thơ đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương quân công hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Ba. Có hơn 30 đơn vị, cá nhân được Nhà nước phong, truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các tin khác
- TRUYỀN THỐNG CÔNG AN CẦN THƠ (14/09/2024)
- Lịch sử phát triển Công an thành phố Cần Thơ (26/09/2023)
Trang đầu 1 Trang cuối