Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, tống tiền sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các hành vi lừa đảo, đe dọa tống tiền đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên cả nước. Các đối tượng phạm tội nhắm đến nhiều tầng lớp trong xã hội, từ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đến người dân, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tài sản, danh dự và uy tín.
Qua ghi nhận từ các vụ việc, các đối tượng thường sử dụng công nghệ AI, cụ thể là kỹ thuật Deepfake, để cắt ghép khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh, video clip có nội dung nhạy cảm, đồi trụy, với các bước thực hiện như sau:
1. Thu thập thông tin cá nhân: các đối tượng khai thác hình ảnh, số điện thoại, thông tin cá nhân của nạn nhân từ các nguồn công khai trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…), trang web cơ quan, đơn vị hoặc thậm chí từ các mối quan hệ xã hội của nạn nhân. Đặc biệt, những người có địa vị, điều kiện kinh tế hoặc cán bộ, lãnh đạo thường là những mục tiêu chính.
2. Chỉnh sửa bằng công nghệ cao: với việc ứng dụng công nghệ AI, các đối tượng dễ dàng ghép khuôn mặt nạn nhân vào các nội dung nhạy cảm lấy từ Internet, để tạo ra video, hình ảnh giả mạo nhưng trông rất chân thực, khó phân biệt bằng mắt thường. Để tăng tính thuyết phục, chúng còn thêm biểu tượng “play” giả hoặc quay lại màn hình để làm nạn nhân tin rằng đó là đoạn video có thật.
3. Đe dọa tống tiền: sau khi hoàn thiện “bằng chứng giả”, các đối tượng giả danh thám tử tư, cơ quan chức năng gửi trực tiếp đến nạn nhân qua tin nhắn (MMS, Zalo, Facebook, Telegram, email...). Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử với số tiền từ vài triệu đến hàng tỷ đồng, kèm lời hứa hẹn “xóa bỏ bằng chứng”. Nếu không đáp ứng, chúng đe dọa sẽ phát tán lên mạng xã hội, gửi đến gia đình, cơ quan của nạn nhân.
Hình ảnh nhạy cảm cùng nội dung tin nhắn mà các đối tượng dùng để đe dọa tống tiền
Chính thủ đoạn này đã đánh vào tâm lý lo sợ mất danh dự, uy tín của nạn nhân, đặc biệt là những người có vị trí trong xã hội. Nhiều trường hợp, do hoang mang hoặc thiếu hiểu biết, nạn nhân đã âm thầm chuyển tiền cho đối tượng mà không trình báo cơ quan chức năng, dẫn đến mất mát tài sản lớn. Nhiều vụ việc được ghi nhận thời gian qua có cả lãnh đạo thuộc cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, với số tiền bị uy hiếp từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gia đình và tổ chức, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Trước tình hình trên, Công an thành phố khuyến cáo người dân, cán bộ, lãnh đạo, đảng viên chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
1. Bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ, đăng tải thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, cơ quan, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên Internet, mạng xã hội. Sử dụng mật khẩu mạnh, bật xác thực hai yếu tố để bảo vệ tài khoản.
2. Cảnh giác với tin nhắn, cuộc gọi lạ, không bấm vào đường link không rõ nguồn gốc, không tải tệp đính kèm từ người lạ gửi qua mạng xã hội, email.
3. Bình tĩnh khi bị đe dọa, trường hợp nếu nhận được tin nhắn, hình ảnh, video có nội dung nhạy cảm, không đúng sự thật theo phương thức, thủ đoạn nêu trên thì không xóa, không phát tán tin nhắn video, hình ảnh nhận được, không chuyển tiền và không làm theo hướng dẫn, yêu cầu của đối tượng. Lưu giữ bằng chứng và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để phục vụ công tác điều tra, đấu tranh, xử lý.
4. Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao qua các kênh chính thống để kịp thời nhận biết và phòng tránh.
Người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong việc tố giác tội phạm. Mọi hành vi sử dụng công nghệ để lừa đảo, tống tiền đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân cần liên hệ ngay Cơ quan Công an để được hỗ trợ kịp thời.
Các tin khác
- Nhận diện một số hình thức lừa đảo bằng hình thức đầu tư tiền ảo - tiền kỹ thuật số. (08/04/2025)
- Cảnh báo Thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản. (03/04/2025)
- Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư tiền ảo, Bitcoin. (25/03/2025)
- Không đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt khi chưa được kiểm chứng, xác thực gây hoang mang dư luận. (26/02/2025)
- Cảnh báo thủ đoạn giả danh cơ quan chức năng của tội phạm công nghệ cao (12/02/2025)
- Công an thành phố cảnh báo tình hình một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. (24/01/2025)
- Cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản (21/01/2025)
- Cảnh giác giả mạo lừa đảo xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc (16/12/2024)
- Tết Ất Tỵ 2025 còn chưa đến mà trên “chợ mạng” đã tràn lan các loại pháo không rõ nguồn gốc. (04/12/2024)
- Tình hình hoạt động của tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. (30/10/2024)
- Phương án phân luồng, điều tiết giao thông trong thời gian diễn ra sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
- thôn báo Đình nã Nguyễn Bảo Pháp
- Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Cần Thơ thông báo Lịch sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tháng 4, tháng 5 năm 2025.